TIÊU CAMPUCHIA ĐẮT GẤP 3 LẦN TIÊU VIỆT
Tiêu đen Kampot của Campuchia giá 15 USD một kg, Thái Lan 6 USD, còn Việt Nam chỉ 5,04 USD mỗi kg.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, Việt Nam xuất khẩu 10.811 tấn tiêu các loại trong nửa đầu tháng 5/2018, tăng 11,57% về lượng nhưng giảm 34,94% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa tháng xuất khẩu của Việt Nam cũng đủ là một con số "khủng" so với sản lượng tiêu cả năm 2017 mà Campuchia sản xuất được, ước khoảng 23.000 tấn. Năm ngoái, Việt Nam vẫn giữ ngôi vô địch vững chắc về xuất khẩu hồ tiêu, với 62,5% thị phần. Tuy nhiên, giá tiêu là một câu chuyện khác.
Ông Pascal Billaud - Giám đốc điều hành Central Food Retail Group kiêm Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý của Liên Hiệp Quốc cho biết, cũng là tiêu, nhưng tiêu đen Kampot (Campuchia) giá 15 USD mỗi kg, Thái Lan 6 USD, còn Việt Nam chỉ 5,04 USD một kg.
Theo chuyên gia này, điều đó cho thấy Việt Nam chưa làm tốt lợi ích của chỉ dẫn địa lý trong việc tăng năng suất cho người trồng. Các lợi ích khác về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu thông qua sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cũng chưa được khai thác triệt để.
Trong khi đó, Campuchia thu hoạch được 102 tấn tiêu mang thương hiệu Kampot năm ngoái, với 70% xuất khẩu và 30% bán tại các cửa hàng đặc sản phục vụ du lịch. Thương hiệu tiêu Kampot được chăm sóc rất chu đáo. Cuối tháng 3/2018 vừa qua, đích thân Bộ trưởng Thương mại Campuchia - Pan Sorasak đã có chuyến công du tìm kiếm thị trường cho mặt hàng này ở châu Âu.
"Có một thứ nông sản ta có lợi thế đặc biệt để có thể phát huy ngay mà còn chưa được chú ý là chỉ dẫn địa lý. Chúng ta vẫn đang lãng phí gia tài lớn đó", bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nói.
Hiện Việt Nam có 66 sản vật được Cục sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, Việt Nam thiếu một "đạo diễn" chung để phát huy gia tài này, trong khi Thái Lan, và gần đây là Campuchia đang tận dụng tốt.
Với 77 tỉnh thành, Thái Lan đang đặt mục tiêu mỗi tỉnh có ít nhất một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Trong đó có sự liên kết của các thành phần gồm: Người trồng/nhà sản xuất; Tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý; Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; Chợ; Cục sở hữu trí tuệ; Phát triển sản phẩm và thiết kế bao bì.
Tại nước này, tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý khác nhau tùy theo từng sản phẩm. Các sản phẩm chỉ dẫn địa lý không cần phải là một sản phẩm hữu cơ mà chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của Thai Gap, được áp dụng từ Global Gap.
"Với chỉ dẫn địa lý, tôi nghĩ Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển nhận thức của người dân, tạo ra nhiều hình thức đào tạo, giáo dục con người . Ở Thái Lan, chúng tôi giáo dục người dân về tác động, lợi ích của chỉ dẫn địa lý. Nhiều người còn là "nhà phát minh" cho chính nơi sản xuất của họ. Họ cập nhật được tình hình, các chỉ số, cách bảo vệ... Vì thế, họ làm cho khách hàng tin tưởng và mua sản phẩm từ những khu vực này", ông Pascal Billaud nói.
Doi Chaang Coffee được đặt theo tên của ngôi làng trên các ngọn đồi tại đông bắc Thái Lan là ví dụ. Người nông dân ý thức được danh tiếng đặc sản của mình nên họ cam kết về quy trình hữu cơ, đảm bảo chất lượng và hương vị tốt nhất.
Vị đại sứ cũng đưa lời khuyên, với các sản phẩm chỉ dẫn địa lý mà Việt Nam hiện đang xuất sang Trung Quốc thì "nên bảo vệ những khu vực sản xuất này, đảm bảo sự cân bằng và công bằng cho nông dân".
Trong một sự kiện được tổ chức vào giữa năm ngoái, Trung tâm Phát triển Tài sản sở hữu trí tuệ cho hay, một số đặc sản như cam Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng 100% giá trị sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý. Chè Mộc Châu (Sơn La) có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cũng có giá cao hơn từ 1,7 đến 2 lần các loại chè không có bao bì chỉ dẫn.
Tuy nhiên, cũng có những sản vật sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý lại có xu hướng đi xuống: bị khai thác cạn kiệt, chất lượng suy giảm, bị làm giả… nên phải vất vả cạnh tranh, thậm chí có nguy cơ biến mất.
Viễn Thông - VNEXPRESS.NET
Bài viết liên quan
CAMPUCHIA MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU CHO 29 MẶT HÀNG CỦA VIỆT NAM
Lễ ký Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Campuchia hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới.
HÒA BÌNH XÂY MỘNG LỚN Ở CAMPUCHIA
Quốc gia láng giềng Campuchia ngày càng thu hút các doanh nghiệp Việt nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan và dân số trẻ.
VIỆT NAM - CAMPUCHIA THÔNG XE CẶP CỬA KHẨU THỨ 6
Ngày 19/7, cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) và O Ya dav (tỉnh Ratanakiri) đã được Chính phủ hai nước tổ chức thông xe.
KHÁNH THÀNH CẦU LONG BÌNH – CHREY THOM NỐI HAI TỈNH AN GIANG (VIỆT NAM) VÀ KANDAL (CAMPUCHIA)
Ngày 24- 4, tại tỉnh Kandal, Campuchia, Thủ tướng Chính phủ nước CHXH Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen đã dự, cắt băng khánh thành Long Bình - Chrey Thom nối liền hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kandal (Campuchia). Công trình này là một biểu tượng, một minh chứng sống động của mối quan hệ..
CDC THÔNG QUA DỰ ÁN NHÀ MÁY THÉP TẠI KAMPONG SPEU
Một dự án xây dựng nhà máy chế biến thép trị giá 31 triệu USD tại tỉnh Kampong Speu đã được chính phủ thông qua gần đây, theo thông báo của Hội đồng Phát triển Campuchia hồi đầu tuần này.
WORLDBRIDGE SẼ ĐƯA VÀO HOẠT ĐỘNG MÔ HÌNH SME ECO PARK ĐẦU TIÊN TẠI CAMPUCHIA
Khu công nghiệp đầu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Campuchia sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10 này tại tỉnh Kandal, cách trung tâm Phnom Penh 12 km. SME Eco Park, hay SME Cluster Zone có diện tích 4ha tại huyện S’ang sẽ chuyên về chế biến thực phẩm và đồ uống, theo thông tin từ tập đoàn Worldbridge, đơn vị đứng sau dự..